VIỆT NAM THỜI KỲ MỚI
*******
Sau 43 năm sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt qua hơn 30 năm đổi mới, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại…, tất cả các “mặt trận” đều phát triển với những triển vọng tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Năm 1975 đánh dấu một mốc son trong lịch sử dân tộc, khi đất nước được thống nhất. 43 năm đã trôi qua, sự phát triển không ngừng trên các lĩnh vực đã tạo cho đất nước một vị thế vững chắc. Cả nước đã vượt qua các cuộc khủng hoảng trong những năm đầu sau thống nhất, đã chuyển từ một nền kinh tế khủng hoảng, thiếu hụt lớn sang một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, và đạt được nhiều thành tựu quan trọng đáng ghi nhận. Có thể nói rằng, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển với những triển vọng tốt đẹp. Những kết quả này đã trở thành hành trang cho dân tộc vững bước trên con đường hội nhập và phát triển hơn nữa.
Bước ra cuộc chiến khốc liệt, thống nhất đất nước, nhưng phải đến cuối năm 80 của thế kỷ XX, đất nước mới im tiếng súng. Người ta miêu tả Việt Nam thời kỳ đó như những “thương binh” bước ra từ cuộc chiến với những vết thương khắp cơ thể. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, bị cấm vận, Liên Xô suy yếu và sụp đổ, khó khăn đầy rẫy, nhưng với tư duy của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa đất nước ta từng bước phát triển, từng bước vượt qua những khó khăn, thoát khỏi cấm vận. Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước trên thế giới, trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện, 16 đối tác chiến lược và 12 đối tác toàn diện. Trong quan hệ chính trị - ngoại giao với các đối tác, mức độ hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau ngày càng được nâng cao. Quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư không ngừng phát triển nhanh chóng với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam cũng tham gia ngày càng sâu rộng và chủ động vào các tiến trình khu vực và các công việc quốc tế. Việt Nam hiện là thành viên chính thức của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế và nhiều tổ chức phi chính phủ là những nguồn lực quan trọng đưa nền kinh tế - xã hội Việt Nam không ngừng phát triển, từng bước hội nhập sâu vào khu vực và thế giới. Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã thực hiện thành công công cuộc Đổi mới trong nước và mở rộng quan hệ đối ngoại. Liên hợp quốc cũng đã ghi nhận những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong việc xóa đói giảm nghèo và thực hiện nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Tổ chức thành công hàng loạt các hội nghị cao cấp, đặc biệt là lần thứ 2 đăng cai tổ chức APEC, đã minh chứng cho vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương được đề cử là ứng cử viên của nhóm vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dành cho Nhóm nhiệm kỳ 2020-2021.
Nền chính trị, kinh tế-xã hội ổn định, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tự hào bởi những thành quả, nhưng khó khăn thách thức không phải đã hết. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng so sánh với trình độ phát triển của thế giới thì Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhận định: Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới là yêu cầu đặt ra. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu IV) đã chia sẻ: Chưa bao giờ vị thế của đất nước lại lên cao như hiện nay. Chúng ta hút được những lực tích cực về phía mình để giữ vững, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Sự tự tin của các nhà lãnh đạo đất nước thể hiện rõ khi được bạn bè, nguyên thủ các nước kính nể, không chỉ ở Đông Nam Á, châu Á mà còn cả thế giới nữa. Chúng ta hài lòng với kết quả, nhưng không thỏa mãn, không ru ngủ trong thành tích. Nếu công tác quản lý điều hành tốt hơn, những tồn tại, hạn chế được khắc phục hiệu quả thì vị thế Việt Nam chắc chắn sẽ còn cao hơn rất nhiều.
                                                           Tiến Thắng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này